2020-08-22
Bài 1 - Vai trò quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0
Sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới đang kéo theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao cả về số lượng và sự chính xác của các thông tin về vị trí và địa danh, cũng như không gian và thời gian thay đổi liên tục theo thực tế. Do đó, thông tin về đo đạc bản đồ và hạ tầng không gian địa lý đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của xã hội hiện đại như: hỗ trợ ra quyết định quản lý, quy hoạch lãnh thổ, sản xuất kinh doanh, kiểm soát bảo vệ môi trường...; đồng thời cung cấp nền tảng kỹ thuật, chính trị và thể chế đảm bảo sự thống nhất quốc gia.
Hạ tầng thông tin cho các công nghệ mới
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của Cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, robot thế hệ mới, xe tự lái, thực tại ảo, thực tế tăng cường… đòi hỏi cao đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ về độ chính xác, độ tin cậy và tính kịp thời. Trên thực tế, hệ thống thông tin về địa lý, không gian và thời gian đang đóng vai trò là hạ tầng thông tin cho hầu hết các công nghệ hiện nay.
Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Anh Dũng cho biết, hiện nay, dữ liệu địa không gian ngày càng được quan tâm và ứng dụng rộng rãi ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu địa không gian vừa là nền tảng vừa là công cụ cho sự phát triển.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Tuệ (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam), trên thế giới thông tin về không gian địa lý phần lớn do nhà nước nắm giữ như: Mỹ với hệ thống định vị vệ tinh GPS, Trung Quốc với hệ thống định vị Bắc Đẩu... Bên cạnh đó, trong khu vực kinh tế tư nhân cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn tự sản xuất và kinh doanh thông tin về không gian địa lý mà Google là một ví dụ điển hình với Google Map và Google Earth - hai ứng dụng đang cung cấp thông tin không gian cho toàn thế giới sử dụng.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia về hạ tầng không gian đã được thành lập nhằm khuyến khích hỗ trợ các quốc gia phát triển hạ tầng không gian địa lý. Năm 1996, Hiệp hội quốc tế về hạ tầng không gian địa lý toàn cầu đã được thành lập với sự tham gia của 50 quốc gia nhằm tạo một diễn đàn quốc tế để trao đổi các ý tưởng về hạ tầng không gian và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đến năm 2011, tại Diễn đàn bậc cao đầu tiên về quản lý thông tin không gian toàn cầu tại Seoul (Hàn Quốc) tổ chức về quản lý thông tin không gian toàn cầu (UN-GGIM) đã được thành lập. Cùng với đó, Hiệp hội quốc tế về hạ tầng không gian địa lý toàn cầu, Tổ chức Chuẩn quốc tế (ISO) và Hiệp hội thông tin không gian mở (OGC) đã lập ra các tổ chức về hạ tầng thông tin địa lý khu vực tại các châu lục. Hầu hết các nước trên thế giới đã thành lập Hạ tầng không gian địa lý quốc gia (NSDI) và đặt tên cho hạ tầng không gian địa lý quốc gia của riêng mình.
Thông tin địa lý và hạ tầng dữ liệu không gian đang liên tục được phát triển, có thêm chức năng gắn liền với quyền tài phán quốc gia về lãnh thổ trên biển và các nước có khu vực pháp lý liền kề. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc xây dựng và phát triển hạ tầng không gian địa lý quốc gia còn cần tính đến các đặc trưng của bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa...
Cần có sự kiểm soát của Nhà nước
Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Hoàng Ngọc Lâm nêu rõ: Hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ xã hội như bản đồ dẫn đường điện tử, bản đồ mạng... được phát triển trên dữ liệu nền thông tin địa lý. Bản đồ điện tử phát triển rất mạnh mẽ, được truyền bá, đăng tải trên internet hoặc bán ra thị trường nhưng Nhà nước chưa xây dựng được chính sách quản lý hữu hiệu đối với dạng sản phẩm này. Do đó chất lượng, tính chính xác, tính trung thực và tính đầy đủ về thông tin của sản phẩm, đặc biệt đối với các ấn phẩm mang tính nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia chưa có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vẫn diễn ra trên thực tế và ngày càng phát triển, trong khi Nhà nước chưa có chính sách để quản lý hữu hiệu.
Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, nguyên Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, cũng cho biết, hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa được quản lý thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng đo đạc... nên nhiều dự án về đo đạc và bản đồ chưa được quản lý thống nhất. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng, quản lý kế hoạch, triển khai dự án liên quan tới đo đạc và bản đồ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng trên cùng một khu vực có thể có nhiều đơn vị tiến hành khảo sát, đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý, thành lập bản đồ; các sản phẩm, thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ hiện nay được lưu giữ và quản lý phân tán ở nhiều cơ quan. Sản phẩm cuối cùng không được giao nộp theo quy định, không đồng bộ nên rất khó để tích hợp, quản lý thống nhất... dẫn đến tình trạng đo đạc chồng chéo gây lãng phí thời gian và kinh phí.
Do đó, nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam phải có bước phát triển mạnh mẽ, có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới. Nhu cầu tất yếu trong tương lai gần là xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa mục tiêu như quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý giữa các bộ, ngành, địa phương…