Việt Nam muốn thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới

2024-09-11 HaiPress

Phát biểu tại tọa đàm "Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới" ngày 10/9 tại Hà Nội,Bộ trưởng Văn hóa Thể Thao & Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa,điện ảnh và du lịch là hai ngành trọng tâm. Sức mạnh của điện ảnh không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật mà còn ở yếu tố văn hóa. Nếu Việt Nam biết tận dụng thế mạnh này gắn kết điện ảnh - du lịch,sức lan tỏa về điểm đến tới du khách quốc tế sẽ rất cao.

Việt Nam có cảnh quan hùng vĩ,văn hóa đặc sắc,ẩm thực đa dạng,con người thân thiện cùng nhiều tiềm năng,lợi thế để phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh cũng như trở thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới. Theo Bộ trưởng Hùng,ngành du lịch cần chủ động,đi đầu trong quảng bá,xúc tiến để quốc tế biết được những tiềm năng,thế mạnh này của Việt Nam.

"Nếu chúng ta ở im trong nhà đóng cửa,không ai biết Việt Nam có gì",ông Hùng nói.

Làng thổ dân gần đầm Vân Long,Ninh Bình xuất hiện trong phim bom tấn Kong: Skull Island. Ảnh cắt từ video

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành du lịch cần nghiên cứu,giới thiệu những cái lạ,điểm mới tới bạn bè quốc tế thông qua những chiến dịch trọng điểm,tổng thể thay vì tràn lan hoặc nhỏ lẻ. Chỉ khi nào cùng đồng loạt quảng bá về du lịch thì Việt Nam mới có thể tạo được tiếng vang,thu hút du khách và đạt hiệu quả.

Cục trưởng Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định nhiều quốc gia trở thành tiêu điểm hút khách nhờ vào các bộ phim điện ảnh. Theo thống kê,từ năm 2001,sau khi các phần phim Chúa Nhẫn (Lord of the Rings) phát hành,lượng khách quốc tế đến New Zealand,nơi quay bộ phim,tăng 50%. Tại Anh,trong giai đoạn 2011-2014,loạt phim Harry Potter đã giúp quốc gia này tăng 230% lượng khách. Mọi người đổ xô đến các phim trường,nơi quay Harry Potter để tham quan. Các điểm đến ở Croatia,Iceland,Bắc Ireland,Scotland sau khi xuất hiện trong bộ phim Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) cũng trở thành điểm hút khách du lịch.

Một cảnh quay tại TP HCM trong phim A Tourist's Guide to Love. Ảnh: Netflix

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024,trụ cột tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được đánh giá cao,xếp hạng 26 và 28. Cục trưởng Khánh đánh giá đây là nguồn tài nguyên tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Thành công của phim Kong: Skull Island với những cảnh quay tại Hạ Long,Quảng Bình,Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim bom tấn của Hollywood.

Một trong những tỉnh thành có ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất từ điện ảnh là Ninh Bình. Theo Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh,điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ thu hút khách quốc tế đến đây. Năm 1992,bộ phim Đông Dương có một số cảnh quay tại Tam Cốc - Bích Động. Sau khi phim công chiếu,khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được nhiều khách quốc tế biết đến,đặc biệt là du khách Pháp. Hiện nay khách du lịch Pháp và các nước châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động,làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây. Trước đây,hầu như không có khách du lịch quốc tế.

Với những điểm mạnh mà điện ảnh mang lại cho du lịch,Bộ VHTTDL sắp tới sẽ thúc đẩy chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Mỹ,với dự tham dự của các đạo diễn,nhà làm phim nổi tiếng của Hollywood. Việt Nam sẽ trực tiếp giới thiệu với họ về những tiềm năng,thế mạnh của mình để thu hút các nhà làm phim đến đầu tư,quay phim. Đổi lại,các bộ phim sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thống quốc tế,thúc đẩy quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Theo ông Khánh,Việt Nam không chỉ quảng bá tiềm năng trở thành phim trường thế giới mà còn cần thu hút du khách thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam. Tạp chí Forbes chỉ ra không phải tất cả du khách quốc tế đến New Zealand đều vì bộ phim Chúa Nhẫn. Nhưng 80% khách đều biết các cảnh quay trong bộ phim diễn ra ở New Zealand. Vì thế,danh tiếng của quốc gia này tăng vượt bậc trên bản đồ du lịch thế giới.

Cũng trong buổi tọa đàm,các chuyên gia du lịch - điện ảnh cũng chỉ ra những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong việc thu hút các nhà làm phim quốc tế.

Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng cho biết Việt Nam cần sớm có bộ dữ liệu từ cấp quốc gia,địa phương đến doanh nghiệp về cách làm thế nào để thu hút các nhà làm phim cũng như chính sách ưu tiên dành cho họ. Ông Dũng đề xuất Bộ VHTTDL nên chủ trì,phân công rõ các bên như địa phương,doanh nghiệp cần làm gì để hỗ trợ các đoàn phim. Bên cạnh đó,lâu nay Việt Nam chưa chủ động thực sự trong mời,gọi,hỗ trợ hay tự giới thiệu với các đoàn làm phim quốc tế. Ngoài ra,chúng ta mời các đoàn phim về đã khó nhưng làm sao quảng bá tốt hơn cho các bên liên quan lại càng khó hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan chỉ ra một năm Thái Lan thu hút 100-200 đoàn làm phim lớn nhỏ. Nhưng tại Việt Nam,số lượng đoàn phim đến "chưa hết hai bàn tay". Bà Lan nhận xét các đoàn phim đến quay ở Việt Nam nhưng không nhận được ưu đãi thì sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan,Philipinnes hoặc các nước chào đón họ. "Như vậy,Việt Nam mất nhiều khách hàng và nên xem xét lại",bà Lan nói.

CEO Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á cho biết các nhà làm phim nước ngoài rất thích Việt Nam vì sự đa dạng,đặc sắc. Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành điểm đến mới hơn so với Thái Lan,Philippines - những nơi đã quá quen thuộc với các hãng phim. Các nhà làm phim mong muốn Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim,muốn được hỗ trợ về an ninh trật tự khi quay phim,giữ bảo mật trong quá trình quay,minh bạch trong kinh doanh. Họ cũng muốn có thêm chính sách ưu đãi thuế cũng như có nhiều công ty sản xuất,hậu cần hỗ trợ các đoàn phim chuyên nghiệp hơn.

"Việt Nam chưa có nhiều nhân lực chuyên nghiệp phục vụ các đoàn phim cũng ảnh hưởng lớn đến những dự án hoành tráng",ông Á cho biết thêm.

Phương Anh

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.